Vấn đề Hoa kiều tại Việt Nam sau năm 1975 Thuyền nhân Việt Nam

Trước năm 1975, ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện... và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường.[22]

Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, các căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với 2 quần đảo Hoàng SaTrường Sa khiến chính phủ Việt Nam e ngại về nhóm người Hoa đông đảo đang sống ở Việt Nam, nhất là khi nhóm này nắm giữ vị thế rất lớn về kinh tế ở miền Nam. Vấn đề người Hoa càng thêm phần trầm trọng khi họ công khai treo quốc kỳ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông trong khu Chợ Lớn, làm chính phủ Việt Nam nghi ngờ lòng trung thành của họ.

Tháng 1 năm 1976, chính phủ Việt Nam ra lệnh cho người Hoa ở miền Nam phải đăng ký quốc tịch. Đa số đăng ký là quốc tịch Trung Quốc mặc dù họ đã chuyển sang quốc tịch Việt Nam từ những năm 1956-1957. Tháng 2 năm đó, người Hoa được lệnh đăng ký lại theo quốc tịch đã nhận thời Việt Nam Cộng hòa. Những người vẫn tiếp tục đăng ký là quốc tịch Trung Quốc sau đó bị mất việc và giảm tiêu chuẩn lương thực. Cuối năm đó, tất cả các tờ báo tiếng Trung bị đóng cửa, tiếp theo là các trường học của người Hoa. Với những hành động này, chính phủ Việt Nam đã lờ đi thỏa thuận rằng sau khi thống nhất sẽ tham khảo ý kiến của Trung Quốc về vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Chính sách của Việt Nam năm 1976 đã bị ảnh hưởng bởi thay đổi nhanh chóng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, với nỗi e ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng Hoa kiều để ép Việt Nam theo các chính sách của mình. Vấn đề Hoa kiều được chính phủ Việt Nam xem là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia hơn là một vấn đề nội bộ đơn giản.[23]

Năm 1977, Hoa kiều vẫn tiếp tục kiểm soát nền kinh tế miền Nam, lạm phát 80% cùng với vấn đề tiếp diễn của sự thiếu thốn và nạn đầu cơ lương thực, Chính phủ Việt Nam sợ rằng Hoa kiều có thể bị lôi kéo theo các mục tiêu của chính phủ Trung Quốc, kèm theo đó là sự ngừng trệ nghiêm trọng của các vùng kinh tế phía Tây Nam do các xung đột tại biên giới với Campuchia. Trong lúc đó, người Hoa ở Chợ Lớn lại tổ chức biểu tình đòi giữ quốc tịch Trung Quốc. Những điều này làm cho chính phủ Việt Nam lo sợ về nguy cơ đất nước bị rối loạn cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài bởi các nguyên nhân xuất phát từ Trung Quốc. Trong các tháng 3, 4 năm 1978, khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn của Hoa kiều bị quốc hữu hóa. Vị thế kinh tế của các thương gia giàu có bị hủy bỏ, nhà nước thắt chặt kiểm soát nền kinh tế. Quan hệ ngày càng xấu đi giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng làm tăng thêm số người Hoa rời Việt Nam. Kết quả là số người di tản từ Việt Nam tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 1979, trong những người di tản trong những năm 1978-1979, Hoa kiều chiếm số lượng rất lớn.

Nhà văn đoạt giải Nobel Gabriel Garcia Marquez đã đến thăm Việt Nam vào giữa tháng 7/1979 mô tả:[21]

Tình hình ở thành phố Hồ Chí Minh lúc đó, cũng như trên toàn miền Nam sau thống nhất, rất hỗn loạn. Số Hoa kiều, khoảng trên 1 triệu người, đều trong tâm trạng hoảng sợ bởi vì mối đe dọa về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc... Những vấn đề chính trị do Mỹ tạo ra càng làm vấn đề thêm rối rắm và việc tìm giải pháp cho thuyền nhân Việt Nam lúc đó là không thể.Làn sóng di tản bắt đầu vào tháng 4 năm 1975 khi Mỹ kết thúc sự hiện diện tại Việt Nam và bỏ mặc đồng minh. Quân đội và lực lượng cảnh sát chế độ cũ, những điệp viên và đao phủ, cũng như những kẻ giết người trong chiến dịch Phượng Hoàng, đã chạy khỏi đất nước.Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà Việt Nam đối mặt sau giải phóng không phải những tội phạm chiến tranh mà là lực lượng tư sản của miền Nam. Phần lớn lực lượng này là Hoa kiều. Trong số 1,5 triệu người Hoa sinh sống ở Việt Nam trong chiến tranh, hơn 1 triệu người tập trung ở Chợ Lớn. Đó là một vùng riêng của chủ nghĩa tư bản giàu có giữa một trong những đất nước nghèo khổ nhất thế giới, với mọi hoạt động tiêu pha chỉ diễn ra về đêm và ở mọi trò giải trí. Tại đây có những sòng bạc, ổ thuốc phiện, các nhà thổ - sau giải phóng thì tất cả đều bị cấm.Đến tháng 3 năm 1978, gần như mọi trao đổi vàng và ngoại tệ ở Việt Nam đều nằm ở quận Babylonic - tức vùng Chợ Lớn, và chính phủ cuối cùng quyết định chấm dứt sự vô lý này. Đầu năm 1978, quân đội và công an đã phá hủy một số lượng lớn mạng lưới đầu cơ tích trữ và nhà nước nắm giữ buôn bán lương thực. Không quyết định khởi tố nào được đưa ra nhằm chống lại những kẻ đầu cơ, thay vào đó chính quyền trả tiền cho số hàng của họ.Mặc dù thế, nhiều người vẫn muốn trốn đi và việc người Hoa bị xem là tư sản, là Trung Quốc, càng dễ tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ thù của Việt Nam xuyên tạc hiểm độc, nguyên nhân là vì vấn đề giai cấp và không cùng giống nòi. Đến cuối năm 1978, 20.000 người đã di tản. Cuối cùng, chiến tranh với Trung Quốc vào tháng 2 năm 1979 nổ ra, sự thôi thúc ra đi đã trở thành cơn hoảng sợ.Ở biên giới, tình hình còn căng thẳng hơn. Người Việt Nam cho rằng 160.000 người Trung Quốc sống tại đây đã băng qua biên giới trước cuộc xâm lăng của lính Trung Quốc, và rằng nhiều người đã xâm nhập trở lại Việt Nam nhằm lấy tin tức. Lo sợ mỗi người Hoa là một gián điệp, người Việt Nam đẩy họ ra xa mình...Việt Nam đã hơn một lần là nạn nhân của những mưu đồ quốc tế thâm độc. Chính phủ Việt Nam không trục xuất ai cả, nhưng ở thời điểm đó, người ta đã hiểu khác đi

Đến năm 1982, người Hoa ở miền Nam đã vượt biên qua đường biển, đường bộ để đi qua nước thứ ba. Theo một thống kê, 2/3 trong số nửa triệu thuyền nhân xuất phát từ Việt Nam là người gốc Hoa.[12] Cộng thêm vào đó là khoảng 250.000 người gốc Hoa vượt biên sang Trung Quốc qua biên giới phía Bắc từ tháng 4 năm 1978 đến mùa hè năm 1979.[10]

Sau khi làn sóng người Hoa vượt biên kết thúc, đến năm 1989, số người Hoa tại Việt Nam đã giảm từ 1,8 triệu (năm 1975) xuống còn 900.000. Người Hoa không còn là thế lực kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa, và các phong tục, ngôn ngữ gốc Hoa của họ đã mất đi phần lớn. Đây là một ngoại lệ hiếm hoi so với những nước Đông Nam Á khác: người Hoa đã gần như bị đồng hóa bởi người Việt. Mặc dù số đông người Việt có thể phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không ai nghĩ đến việc trả thù gia đình thương gia gốc Hoa.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thuyền nhân Việt Nam http://www.navy.gov.au/HMAS_Gladstone_(I) http://www.migrationheritage.nsw.gov.au/exhibition... http://franklin.dpc.vic.gov.au/domino/Web_Notes/ne... http://digital.library.ryerson.ca/islandora/object... http://paul.blogmilitant.com/index.php?post/2006/1... http://calitoday.com/news/view_article.html?articl... http://www-cgi.cnn.com/ASIANOW/asiaweek/96/0209/fe... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi...